Suppliers

Thanh Bình Trẻ - thuần Việt giữa Paris

Published on 2005-01-13

SGTT Xuân 2010 - Bạn cứ loay hoay bấm máy. Hỏi bạn chụp gì, bạn cười, chỉ mấy chữ viết tay trên các kệ hàng: Thấy chữ Việt thấy thương quá... Thương, bởi bạn đang đứng giữa Paris, trong cửa hiệu có tên Thanh Bình trẻ. Tại sao trẻ? Đó là câu chuyện của một dòng tộc...

Bằng giọng Sài Gòn nhu nhã và thứ tiếng Việt trôi chảy, Ngô Minh Đường, ông chủ Thanh Binh Jeune kể ba mẹ anh – Ngô Văn Nhân và Ngô Thị Hằng – đều là người Bắc vô Nam lập nghiệp trước hiệp định Genève. Đất lành chim đậu, ba anh trở thành một trong những thầu khoán lớn của Sài Gòn, từng xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Cải nghiệp và nối nghiệp

Năm 1968 ông thầu khoán quyết định làm cuộc ra đi thứ hai, đưa cả gia đình sang Pháp, khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm châu Á từ một cửa hàng nhỏ vài mươi mét vuông ở quảng trường Maubert, quận 5 Paris, thương hiệu Thanh Bình – tên một trong hai con gái sinh đôi của họ – phát triển rất nhanh, bởi một mình một chợ. “Bởi cả sự một lòng một dạ của ba má”, Thanh Bình buột miệng nói vui với tôi. Hưởng ứng chị, cậu em út Minh Đường cho biết ba má anh không chỉ ngẫu nhiên cùng quê, cùng họ “mà còn giống nhau trong quan niệm sống. Khi mất, ba má cũng mất cùng năm”. Qua cách xưng hô âu yếm của những đứa con, ta dễ dàng nhận ra sự ấm êm, tương kính của một gia đình Việt Nam truyền thống.

Do cha từng là thầu khoán, Minh Đường theo học kiến trúc, nhưng tốt nghiệp xong, đứa con trai giỏi giang quyết định giúp song thân điều hành thương hiệu. Anh kể trước khi mất, ba má anh đã làm cuộc phân chia cơ nghiệp: giao Thuỷ Bình quản lý Thanh Bình cũ, lập thêm Thanh Binh Jeune cho chị Thanh Bình và anh quán xuyến. Thanh Binh Jeune hiện có ba cơ sở, trong đó cơ sở 20 Avenue Verdun 94200 Ivry sur Seine rất nổi tiếng. Nổi tiếng không chỉ vì 3.700m2 có hơn 80% hàng Việt, mà còn nổi tiếng vì năm nào nơi đây cũng có hội chợ tết kỳ công, có cả ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi Việt Nam sang biểu diễn. Minh Đường nói tổ chức hội chợ luôn luôn... lỗ, nhưng gia đình anh muốn giữ không khí tết cho người Việt, đặc biệt cho “đám con nít” – khách hàng tương lai của Thanh Bình.

Con kiến và con mọt

Thuần tuý Á Đông là slogan hiển hiện của Thanh Binh Jeune, nhưng mục tiêu thầm kín sâu xa hơn là thuần Việt. Vì mục tiêu đó, suốt 40 năm, cần mẫn, kiên trì như cái kiến, dòng họ này đã “tha” đến đây từng cái ngọt cái ngon của dân tộc. Không chỉ tính lợi nhuận kinh doanh, đương nhiên, Thanh Binh Jeune còn tự giao mình sứ mệnh quảng bá hàng Việt Nam sang châu Âu, và sản phẩm mơ ước đầu tiên là gạo, để cạnh tranh với gạo Thái Lan chất lượng đang sa sút. Sau một vòng “ăn thử” dài dài theo đất nước cách đây hai năm, Minh Đường quyết định chọn gạo ST 5 mà theo anh, kém thơm hơn Thái Lan nhưng rất ngọt. Thanh Binh Jeune hăng hái đặt mua số lượng lớn, chuẩn bị bao bì rất đẹp. Nhưng tiếc thay, hai mươi tấn nhập khẩu đầu tiên có... mọt do kỹ thuật khử trùng chưa ổn. Hai mươi tấn gạo phải quy hương tái xử lý, nhưng một quy trình loạc choạc trong thời điểm đó khiến “đại sứ” Thanh Bình bất an. Họ quyết định thà lỗ, bán tháo ngay trong nước chứ không muốn gạo Việt Nam mất uy tín trong lần đầu tiên ra mắt.

Nhưng uy tín rồi vẫn... mất. Mới đây, trong chuyện khác: Sau nhiều năm mua cá ba sa đông lạnh của một công ty quen, thông qua một trung gian người Việt ở Pháp, Thanh Binh Jeune thử mua thêm nơi khác. Kết quả... thê thảm: Tám tấn đầu tiên bị khách hàng, đặc biệt khách hàng lớn châu Phi mang trả. Lý do: cá nát khi rả đông vì bị bơm nước quá nhiều! Hiện Thanh Binh Jeune phải... ôm những tấn hàng gian dối đó như ôm nỗi phàn nàn duy nhất nhưng triền miên về lối tư duy ăn xổi của dân mình. Nói vậy không có nghĩa cái gì của Việt Nam cũng xấu. Thanh Bình cho biết hàng đông lạnh chế biến, mì gói, kẹo bánh, càphê Việt Nam... bán rất chạy.

Ngoài các thực ẩm xa xưa mà chúng tôi gọi vui là đi buôn ký ức, hầu như ở Việt Nam xuất hiện món ngon vật lạ nào thì ở Thanh Binh Jeune cũng xuất hiện không lâu sau đó. Tôi còn nhớ mình đã biết đến món cơm cháy chà bông, bột chiên... cách đây rất nhiều năm từ Thanh Binh Jeune chứ không phải trong nước.

Tôi biết gia đình này từ năm 1990 khi tham dự Liên hoan phim Nantes với phim Gánh xiếc rong, khi Thuỷ Bình còn phụ trách gian hàng văn hoá phẩm của Nhà Việt Nam ở Paris. Sau đó họ tiếp tục là khán giả của tôi khi Chung cư, Mê Thảo phát hành trên nước Pháp. Còn tôi, với thói quen ăn uống Việt Nam, cũng thường xuyên là khách hàng của họ. Quen biết, cảm mến các hoạt động nhân ái của thương hiệu, nhưng thú thật, nó vẫn không để lại cho tôi ấn tượng. So với các siêu thị Trung Hoa, có vẻ như cửa hàng Việt Nam này hơi luộm thuộm, ít hàng hoá, ít khang trang, ít nụ cười... Nhưng khoảng hai năm gần đây Thanh Binh Jeune bỗng nhiên lột xác: các mặt hàng đột nhiên phong phú, ngăn nắp, đón tiếp vui vẻ. Đặc biệt văn hoá phẩm – cũng chất lượng và nóng sốt – được dành hẳn nhiều mét vuông để trưng bày, trở thành địa chỉ để người Việt mua báo xuân vào dịp tết. Cùng với dịch vụ du lịch, Thanh Binh Jeune là chiếc cầu đưa thương hiệu Việt Nam vào châu Âu.

Tôi hỏi Minh Đường ai sẽ xây tiếp cây cầu khi tất cả con cháu đều theo nghề khác. Minh Đường nói anh đang nghĩ tới người... lạ, cụ thể đang “coi giò coi cẳng” các sinh viên làm việc ở đây để kiếm người kế tục. Là ai, dù lạ hay thân, tôi cũng chúc Thanh Binh Jeune tấn phát. Bởi nhiều hơn một nơi chốn kinh doanh đặc sản, đây là nơi hãnh diện của không ít người Việt Nam trên đất Pháp…

bài và ảnh Việt Linh

Source: giaodienonline.com

COMMENTS

No customer comments for the moment.

Only registered users can post a new comment.