Specials

Suppliers

Huấn luyện xông hơi lưu huỳnh cho vải thiều tại Bắc Giang – vải thiều chuẩn bị lên đường sang Pháp

Publié le 05/06/2015

Sáng 2 tháng 6 năm 2015, tại Sở Công Thương Bắc Giang, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ DNNVV Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Trung tâm XTTM Bắc Giang và Công ty Thanh Bình Jeune (Pháp) tổ chức khóa tập huấn xông hơi lưu huỳnh nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải sang thị trường EU.

Không chỉ đáp ứng yêu cầu vệ sinh thực phẩm của thị trường châu Âu (EU), với công nghệ xông hơi lưu huỳnh, chuyên gia nông nghiệp Michel Pierre cho biết, công nghệ này hoàn toàn có thể giúp giữ trái tươi nguyên trong 5 tuần và việc này đã và đang thực hiện thành công tại Madagascar. Do đó, nếu có thể áp dụng công nghệ này thành công tại Việt Nam, trái vải thiều của Việt Nam sẽ được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không và giá thành sẽ giảm đi nhiều.

Tham dự khóa tập huấn, về phía Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương có ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng, Giám đốc Quốc gia Chương trình Hỗ trợ DNNVV Việt Nam; về phía tỉnh Bắc Giang có đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Công Thương, UBND và Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, Trung tâm XTTM Bắc Giang; cùng đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những công ty xuất khẩu trái cây ở Tp. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

 

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Ông Đỗ Kim Lang khẳng định những thành công ban đầu của khoá học là nỗ lực của các bên liên quan, trong đó phải kể đến vai trò kết nối của BQL Chương trình, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Trung tâm XTTM thuộc Sở Công Thương Bắc Giang và Công ty Thanh Bình Jeune.

Ông Đỗ Kim Lang nhấn mạnh, thị trường Pháp nói riêng và EU nói chung chỉ công nhận phương pháp xông hơi lưu huỳnh là phương pháp cho phép duy nhất để đưa trái cây nhập khẩu thâm nhập vào thị trường. Ông hy vọng sau khóa tập huấn doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được công nghệ, từ đó rộng đường cho trái vải xâm nhập thị trường Pháp cũng như mở ra cơ hội cho nhiều trái cây đặc sản của Việt Nam vươn xa hơn.

 

Phát biểu chào mừng khóa tập huấn, ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Trung tâm XTTM Bắc Giang cho biết năm 2015, với tổng diện tích gần 32.000 ha, sản lượng toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn quả tươi; trong đó, sản lượng vải sớm toàn tỉnh khoảng 25.000 tấn, vải chính vụ khoảng 135.000 tấn. Năm nay, tỉnh mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng 12.200 ha, sản lượng dự kiến gần 80.000 tấn. Tỉnh cũng đã triển khai sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Lục Ngạn với quy mô gần 100 ha, sản lượng khoảng gần 1.000 tấn để phục vụ xuất khẩu.

 

Chia sẻ tại khóa tập huấn, ông Ngô Minh Đường, Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình Jeune cho biết ước mơ đưa quả vải Việt Nam sang Pháp sau bao năm ấp ủ đã thành hiện thực. Ông hy vọng kỹ thuật này sẽ thành công và mang nhiều hứa hẹn và cơ hội cho các đối tác và người dân địa phương trong tương lai gần.

 

Tiến sỹ Michel Jahiel Pierre, chuyên gia giảng dạy tại khoá huấn luyện này đã dành nhiều thời gian hướng dẫn, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm với các học viên là doanh nghiệp và cán bộ kỹ thuật của địa phương. Theo ông Michel, với công nghệ xông hơi lưu huỳnh, quả vải sẽ giữ được độ tươi nguyên trong vòng 5-6 tuần. Nếu thành công, quả vải sẽ được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không và giá thành sẽ giảm đi rất nhiều.

Buổi chiều, các học viên có cơ hội trải nghiệm và luyện tập phương pháp này tại cơ sở đã được ban tổ chức bố trí. Chuyên gia đã hướng dẫn cách tách, phân loại quả, xếp vào khay, cân đo, pha chế tỷ lệ lưu huỳnh, thời gian xông hơi, thời gian chờ và đưa vào phòng lạnh, v.v…

 

Có thể nói, thành công của khoá huấn luyện xông hơi lưu huỳnh tại Bắc Giang có sự góp sức to lớn của Thương vụ Việt nam tại Pháp mà đại diện là tham tán thương mại Nguyễn Cảnh Cường. Ông đã luôn nỗ lực hỗ trợ kết nối công ty Thanh Bình Jeune và chuyên gia quốc tế cho khoá đào tạo này. Ngay sau khoá huấn luyện, số vải do học viên thực hành sẽ được đưa vào cùng lô hàng đầu tiên công ty Thanh Bình Jeune đưa sang Pháp. Dự kiến 500kg vải thiều đầu tiên được áp dụng kỹ thuật xông hơi lưu huỳnh sẽ được chuyển bằng đường hàng không và có mặt tại Pháp trong một vài ngày tới.

Tiếp sau khoá huấn luyện tại Bắc Giang, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ DNNVV Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức khóa tập huấn tương tự tại tỉnh Hải Dương vào ngày 4-5/6/2015. Tài liệu của khoá huấn luyện sẽ được Cục Xúc tiến thương mại biên tập lại và chuyển cho địa phương sử dụng cho các khoá tập huấn do cán bộ nông nghiệp của địa phương đảm nhiệm. 

Theo www.moit.gov.vn

Source: www.tapchicongthuong.vn